Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

THAM ĐẮM DỤC LẠC HAY KHỔ HẠNH HẠI THÂN - DẤU HIỆU CỦA TÀ PHÁP LẠC ĐẠO


CHUYỆN TÌNH LANG VÀ DIỆP (Đoạn kết)

Diệp: Tại sao nàng đi tu?
Lang: Em thất tình!
Diệp: Tu rồi, sao còn tự vận?
Lang: Em thất vọng!
Diệp: Vì điều gì?
Lang: Cứ tưởng chốn am thanh cô tịch sẽ giúp những kẻ chán đời được khuây khỏa. Nào dè...
Diệp: Càng buồn hơn?
Lang: Đúng vậy! Hóa ra cửa chùa không phải là nơi dành cho những kẻ thất tình, yếu hèn, trốn đời như em.
Diệp: Dành cho ai?
Lang: Cho những người biết thương mình, thương người; sống vì mình, vì người; đầy khát vọng cứu mình, cứu người.
Nói xong, bóng hình Lang tan loãng vào trong hư không biến mất... Chấm Hết.
SƯ MẪU

ÁI 10 KHỔ 10

Thiên nữ Kàtiyànì với ánh sáng chói lòa hiện đến hỏi người cháu đời thứ ba mươi của nữ cư sĩ Visàkhà:
_ Này cô, có ông thầy nói rằng bà mẹ mất người con duy nhất sẽ đỡ đau khổ hơn nếu bà có mười người con. Cô nghĩ thế nào?
Truyền nhân nữ cư sĩ Visàkhà tròn xoe mắt:
_ Chẳng lẽ chín người con kia sẽ bất tử, không bao giờ chết? Rõ ràng vị thầy ấy đã quên lời Phật dạy “Ái là nguyên nhân gây ra đau khổ”. Ái một thì khổ một, ái mười tất khổ mười! Hẳn ông thầy ấy không biết Đức Phật đã dạy trong kinh Phật Tự Thuyết cho bà cố cố tổ của tôi thế này: “Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi người thân yêu, những người ấy có chín mươi sự đau khổ! Những ai có tám mươi người thân yêu, những người ấy có tám mươi sự đau khổ! Những ai có bảy mươi.. có sáu mươi... có năm mươi... có bốn mươi... có ba mươi... có hai mươi... có mười.. có chín... có tám... có bảy... có sáu... có năm... có bốn... có ba... có hai... có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não”(Ud 91).
_ Rõ ràng ông thầy đã không hiểu một trong những nguyên nhân của khổ đau.
_ Và cũng không biết phân biệt giữa ái kiết sử và tâm Từ Bi giải thoát!
Hữu Lý

TÀ KINH A HÀM PHỈ BÁNG PHẬT VÀ THẤU CÁY PHẬT GIÁO


DẪN: Nhiều giảng sư Phật giáo đã vô tư kể câu chuyện 'Đức Phật và con chó trắng' trong A Hàm để minh chứng cho sự tái sanh luân hồi mà không biết rằng chính mình đã rơi vào bẫy của các luận sư gián điệp.

Phân tích và so sánh kỹ hai bài kinh tương đương sau đây trong Pali và trong A Hàm sẽ hiểu rõ "con chó trắng" từ đâu mà ra và các tà sư phỉ báng Phật như thế nào

Phân tích so sánh
Chánh Kinh "Tiểu Nghiệp Phân Biệt" (số 135, Trung Bộ Pali) và Tà kinh "Oanh Vũ" (số 170, Trung A Hàm)
Chánh kinh Pāli: “Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ) Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Subha Todeyyaputta bạch Thế Tôn:
 -- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu? Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ. Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?
-- Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.”
Tà kinh A Hàm: Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ.
Trong khi đi khất thực, Thế Tôn đi qua nhà của Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử. Lúc bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có chút việc phải làm nên đi khỏi, không có ở nhà.
Khi ấy, tại nhà Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có một con chó trắng đang ăn cơm trong cái chậu bằng vàng, trên một cái giường lớn. Rồi con chó trắng trông thấy Đức Phật từ xa đi lại; thấy Ngài, nó liền sủa.
Đức Thế Tôn nói với con chó trắng rằng: “Ngươi không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa”. Chó trắng nghe nói, giận dữ từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây, nằm buồn thiểu não.
Sau đó, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử, thấy chó trắng có vẻ giận dữ, đã từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não, ông mới hỏi người nhà rằng: “Ai quấy rầy con chó của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não vậy?”
Người nhà trả lời: “Chúng tôi không ai quấy rầy con chó trắng cả khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não. Ma-nạp nên biết, ngày nay có Sa-môn Cù -đàm đến đây khất thực, con chó trắng đã thấy liền chạy tới sủa. Sa-môn Cù-đàm nói với con chó trắng rằng, ‘Ngươi không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa’. Này Ma-nạp, do vậy nên khiến con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử vừa nghe xong tức thì nổi giận, muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục Sa-môn Cù-đàm như vậy, ông liền ra khỏi Xá-vệ, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
… Đức Thế Tôn lại bảo Ma-nạp rằng: “Ông hỏi Ta đến ba lần mà không chịu thôi. Ma-nạp nên biết, con chó trắng kia đời trước là cha của ông, tên là Đô-đề vậy”.”
PHÂN TÍCH SO SÁNH: - Trong khi thanh niên Subha Todeyyaputta của Pāli ngay từ đầu kính trọng Phật và chủ động tìm đến Ngài để hỏi những vấn đề hết sức thiết thực cụ thể. Ngược lại, trong A Hàm vị thanh niên này bị biến thành Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử, và lại vì con chó của mình mà tức giận tìm đến Cù Đàm, vậy Đô-đề tử A Hàm xem ai quan trọng hơn, đáng quý hơn?
Thật là hiểm độc khi các dịch giả A Hàm cố tình bịa đặt thêm hình tượng con chó trắng. Cũng thật đau lòng khi không ít người không suy xét kỹ, lấy ngay câu chuyện dựng đứng này giảng đi giảng lại để dẫn chứng cho sự tái sanh của người thân của mình, hoặc khuyến cáo sự chấp giữ tài sản.
Họ sẽ nói sao khi có kẻ ma mãnh dựa vào chuyện này soi kiếp: “Mấy con chó nhà tôi chính là cha mẹ của các ông!”
Hoặc họ bị những kẻ xấu phản bác lại: “Chỉ có Đô-đề tử tin lời Bụt chứ chúng tôi không tin mà còn trả lời rằng: không phải con chó là cha tôi mà là tổ phụ của của các ông nên khi nghe ngài nói nó mới giận dữ thiểu não như thế”. Thử hỏi lúc ấy những ai tin A Hàm trả lời thế nào?
Rõ ràng, các dịch giả gián điệp Bà-la-môn đã giương một cái bẫy quá hiểm độc để tàn phá những ai tin theo!
Tất nhiên, cho dù con người phải tái sanh dưới bất kỳ dạng chúng sanh nào, thế nhưng người Phật tử hiểu rõ “các pháp là vô ngã”, hiểu rõ bản thân mình còn không có, thời còn chấp thủ vào cái gì khác. Kinh Pháp cú số 62 đã nói rõ: “Con tôi, tài sản tôi / Người ngu sanh ưu não / Tự ta, ta không có / Con đâu, tài sản đâu.”
Thế nhưng, nếu cứ nhắm mắt nói theo A Hàm để rồi kẻ khác phải đau lòng hoặc phản kích lại, một người khôn ngoan hiền đức không bao giờ nói, huống hồ ở đây là một Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.
Những ai muốn học sự minh triết từ nơi Đức Thế Tôn trong việc nói lên sự thật, hãy nghiên cứu kỹ chánh kinh Pāli sẽ rõ! Ngược lại muốn biết sự thấu cáy thâm độc của những luận sư gián điệp ngoại học, chỉ cần đọc kỹ tà kinh Oanh Vũ A Hàm này cũng đủ thấy!
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU HỌC PHẬT

DẠI TRÍ ĐỘ LUẬN


Dại Nhân: _ Nhị thừa là thấp kém vì còn chấp vào biên kiến. Nhất thừa mới là cỗ xe cao siêu. Phải theo con đường trung lộ, phải thấu cách thức trung quán: "Bất sanh diệc bất diệt. Bất thường diệc bất đoạn. Bất nhất diệc bất dị. Bất khứ diệc Bất Lai”. Không phân đúng, chẳng biệt sai. Không chấp phải, chẳng chấp trái.
Tiểu Thiên: _ Ông cho như thế mới là đúng, là phải; ngược lại là sai lầm?
Dại Nhân: (im lặng)
Tiểu Thiên: _ Ông cho như thế mới là đúng, là phải; ngược lại là sai lầm? (lần thứ hai)
Dại Nhân: (im lặng) 
Tiểu Thiên: _ Ông cho như thế mới là đúng, là phải; ngược lại là sai lầm? (lần thứ ba)
Dại Nhân: (im lặng)
Tiểu Thiên: _ Một con bò cái cũng biết im lặng như thế!
ĐẠI PHẠM THIÊN

Tỷ phú không tiền $!




Hai cậu bé trong Gia Đình Phật Tử thế hệ mới nói chuyện với nhau:
_ Này cậu, trong kinh Pháp Hoa của Đại Thừa, phẩm Ví Dụ có ghi rành rành ông “đại trưởng giả, tuổi già, lắm của, nhiều nhà đất và tôi tớ”, nhưng tại sao gia đình ông ta lại ở trong một căn nhà tồi tàn cũ nát thế nhỉ?
_ Ngôi nhà ví như tam giới, đã cũ mục rồi nhưng chúng sanh vẫn còn ham thích.
_ Nếu vậy phải gọi là ông nhà nghèo chứ?
_ Gọi bừa là đại trưởng giả giàu có thì người ta mới tin. Cậu không nghe nói: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử. Hết tiền hết bạc hết ông tôi” đó sao?
_ À! Ông “nhà nghèo” còn nói ngôi nhà của ổng rất rộng, có tới năm trăm người ở, thế nhưng chỉ có một cửa. Ai lại xây dựng và ở trong một căn nhà điên khùng như thế? Đã vậy khi nhà cháy, năm trăm con người ấy ở đâu? Sao họ không tiếp cứu hai ba chục đứa con của ông, lại để ông lão phải xoay sở một mình như vậy?
_ Ái da! Đã gọi là “Ví Dụ” có nghĩa là  như vậy để dụ bọn con nít, cậu hiểu không?
_ Thế à!
_ Chứ gì nữa, một Bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác như Đức Thích Ca Mâu Ni chẳng bao giờ có những thí dụ ngớ ngẩn, hồ đồ, trái trên nghịch dưới, sai trước lầm sau như vậy. Đồ giả, hàng dỏm rành rành, chỉ có mấy người ngu mới tin.
_ Ừ nhỉ!
_ Cậu đã có viên ngọc trí tuệ rồi đấy!
SEN TRẮNG

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

TÁI SANH PHẬT GIÁO

Hai thiếu niên Tiểu Thừa ngồi nói chuyện với nhau. Em thứ nhất:

_ Này cậu, Đức Phật dạy số người được tái sanh trở lại làm người ít như đất trên móng tay, và số người còn lại phải tái sanh vào cõi dữ, đoạ xứ, địa ngục thì nhiều như quả đất này. Theo cậu, làm thế nào để kiếp sau mình vẫn được tái sanh làm người và trong gia đình Phật giáo Chánh thống?

_ Theo tớ, trước hết cậu phải giữ nghiêm năm giới và cả giới ăn “tam tịnh nhục” nữa.

_ Giữ năm giới để được làm người thì tớ hiểu. Nhưng tại sao giữ giới ăn “tam tịnh nhục” lại được sanh vào gia đình Phật giáo Chánh thống?

_ Vì chỉ có Phật giáo Chánh thống mới có giới này! Cậu không thể tái sanh vào loài bàng sanh, vì loài này tuy cũng “ăn hiền ở lành” nhưng chỉ biết ăn rau cỏ, củ hạt. Cậu cũng không thể tái sanh vào súc sanh, vì loài này không biết ăn “tam tịnh nhục”, thịt gì cũng nuốt, xác nào cũng nhai, thời nào cũng xực. Cậu phải hiểu rõ giới nào đúng, giới nào sai để hành trì mới đỡ khổ.

_ Ừ nhỉ, thảo nào, không chấp thủ những giới cấm sai lầm, tức chặt đứt được giới cấm thủ kiết sử, là một trong những yêu cầu đầu tiên để giải thoát. Bây giờ mình hiểu rồi. Cảm ơn cậu.

CHÁNH PHÁP TÔNG


PHÁP HỌC HAY PHÁP HÀNH?



_ Có người nói Phật Pháp chia thành hai loại pháp học và pháp hành, từ đó mọi người cũng tin rằng có hai loại Tỳ-kheo là Tỳ-kheo pháp học và Tỳ-kheo pháp hành. Ông nghĩ sao? (1)
_ Đó là ý kiến của luận sư trong chú giải. Ý của Phật khác.
_ Khác thế nào?
_ Chính Ngài dạy trong chánh Kinh: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí này, về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không Thiền định. Liên hệ đến như thật trí về quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có Thiền định. Liên hệ đến như thật trí về sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về Thiền, về giải thoát, về định, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có Thiền định. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí, nhớ đến các đời sống quá khứ, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không thiền định. Liên hệ đến như thật trí về sự sanh diệt của chúng sanh, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí về sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có thiền định. Như vậy, này các Tỷ-kheo, định là chánh đạo, không định là tà đạo” (2)
_ Vậy là pháp hành quan trọng hơn?
_ Nhưng không học làm sao biết lời dạy trên và thực hành cho đúng.
_ Như vậy học phải đi đôi với hành, hành phải đi đôi với học?
_ Chứ còn gì nữa! Một em học sinh còn biết hành mà không học là tu mù, học mà không hành chỉ là mọt sách, huống hồ đệ tử Phật.
_ Thế ra chỉ có luận sư Bà-la-môn và đệ tử của họ mới tin pháp học là pháp học, pháp hành là pháp hành, pháp thành là pháp thành, ba pháp phân biệt!
_ Đúng vậy!

THÍCH CHÁNH PHÁP
------------------------
(1) Chú giải kinh Pháp cú tập 1, tác giả Phật Âm, dịch giả Pháp Minh, Thành hội Phật Giáo TPHCM - 1997, trang 13. (2) Bài kinh “Tiếng Rống Con Sư Tử”Tăng chi tập 3, chương 6, Đại Phẩm.

TƯỞNG CHỨNG MÀ KHÔNG CHỨNG! TƯỞNG HAY MÀ HÓA RỒ!


Đức Phật dạy cho sadi Cunda trong bài kinh Thanh Tịnh, số 29, Trường Bộ 2:

17. Nếu có ai, khi tả một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày".

Này Cunda, Uddaka con của Rāma thường nói: "Thấy mà không thấy". Thấy cái gì mà không thấy? Với một con dao sắc bén, chỉ thấy lưỡi dao không thấy khía cạnh sắc bén của dao. Này Cunda, đấy là nghĩa của câu: "Thấy mà không thấy". Này Cunda, ở đây Uddaka con của Rāma đề cập đến một vật đê tiện, hạ liệt, thuộc về phàm phu, không xứng bậc Thánh, không có lợi ích, nói về con dao.

Này Cunda, nếu nói đúng đắn câu "Thấy mà không thấy", thời phải nói như sau: "Thấy mà không thấy". Vị ấy thấy cái gì mà không thấy? Một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, đầy đủ hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày. Chính vị ấy thấy phạm hạnh này.

Nếu vị ấy trừ bớt một phương diện nào tại một chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy được viên mãn hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Như vậy gọi là "Thấy mà không thấy".

Này Cunda, nếu có ai khi tả một phạm hạnh thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày".

18. Do vậy, này Cunda, những pháp do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người.

Này Cunda, thế nào là những pháp do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người?

Những pháp ấy là Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Thánh Đạo.

Này Cunda, những pháp ấy do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc của muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người.” (Hết trích)

@ Thừa tự Pháp trích lục:

Một giáo pháp đã được Đức Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác tuyên thuyết với đầy đủ thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày’, thì những ai nghĩ rằng phải thêm phải bớt một chút gì thực ra họ chẳng hiểu một chút gì.

Chính vì không hiểu gì cho nên có kẻ đời sau bắt chước Uddaka rêu rao ‘chứng mà không chứng, đắc mà không đắc’. Thực ra họ chỉ ‘tưởng chứng mà không chứng, tưởng thấy mà không thấy’ chứ chẳng chứng chẳng đắc cái gì cả. Và cũng chính vì ‘tưởng chứng mà không chứng, tưởng  đắc mà không đắc’ cho nên lắm kẻ mới vẽ thêm pháp này luận kia cho thêm rối rắm.

Đủ tám mươi bốn ngàn tông phái rắm rối trong đạo khiến những người đời sau chẳng biết pháp nào đúng pháp nào sai. Cuối cùng mọi người chỉ còn biết ai nói sao tin làm vậy, nhắm mắt tín bừa tu đại. 

Nào là chỉ cần niệm một tên thôi dù tội ác đến đâu cũng được lên thiên đàng giải thoát, thế là tất cả hè nhau ra rả ‘á mi tù phù, á mi tù mù’. 

Nào là giáo pháp thượng thừa từ bên ngoài truyền dạy riêng (cho kẻ liều mình chặt tay), thế là thi nhau chạy theo giáo ngoại biệt truyền để rồi quay lưng với Chánh Thiền Thánh Định của Đức Thế Tôn.

Chưa hết, ngay cả những người tự xưng là con Phật chính thống, thế nhưng họ lại không theo đúng đạo lộ của Đức Thế Tôn. Tất cả chỉ biết qua loa ngoài miệng Ba Mươi Bẩy Phẩm Trợ Đạo, mỗi phái tu mỗi kiểu theo tưởng giải riêng của ông thầy. 

Nào là mười sáu tầng tuệ sát minh, trong đó có ‘tầng tuệ thứ chín - tuệ cuốn chiếu’ có nghĩa là tu hoài không thấy chứng chỉ thấy phiền não, nếu có cuốn chiếu bỏ về thì đó là đã đạt ‘tầng tuệ thứ chín’ (sic)

Có người nói rất đúng, nếu 16 tầng tuệ sát minh siêu việt giúp đi tới giải thoát thì Bậc Thầy Trời Người đã dạy rồi, cần gì đến cuốn chiếu, cần chi phải để đệ tử đời sau chỉ ‘dại’ các con Phật mới giác ngộ? Không lẽ ông đệ tử này giỏi hơn Đấng Vô Thượng Sư? Hẳn chỉ có si mê cuồng tín mới tu theo.

Chưa hết, lại còn lắm ôn tin theo các gián điệp đời sau, cuồng mạn chê Kinh Phật chỉ là thường pháp, là tục đế, không phải chân nghĩa đế; chỉ có luận vi diệu pháp được giới thiệu sau này mới thật cao siêu vi diệu. Thế là cả một truyền thống suốt hàng ngàn năm theo đây chỉ ‘dại’.

Không một ai biết cẩn trọng đặt vấn đề: nó có thực là pháp của Phật không? Chuyện từ trên trời đưa xuống, một đứa con nít cũng bịa được, cần gì các luận sư?

Tại sao xuyên suốt hai tạng Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha, Đức Thế Tôn không dạy ba thứ tâm hổ lốn này? Nếu nó thực sự vi diệu thì Ngài đã dạy trong Kinh và Luật rồi, cần chi đến Ba Mươi Bẩy Phẩm Trợ Đạo?

Các thứ tâm sở, tâm vương, tâm hiệp thế, tâm đáo đại v.v.. và v.v.. giúp diệt tham, diệt sân, diệt phiền não khổ đau cụ thể như thế nào? Hay tất cả mớ khái niệm mơ hồ ấy chỉ khiến người tin theo phải khổ sở thêm vì học thuộc lòng để rồi lên mặt với nhau và chê bai coi thường cả Chánh Pháp trong Thánh điển Nikāya và Thánh Luật trong Pātimokkha?

Thật ra không phải chỉ có ngoại học Uddaka ‘tưởng thấy mà không thấy’ mà chính những vị mang danh là con Phật nhưng không tu theo đúng Pháp của Phật, lại tu theo tám vạn bốn ngàn pháp vớ vẩn, để rồi tưởng chứng mà không chứng, tưởng đắc mà không đắc, vẽ vời thêm bớt đủ thứ, cứ tưởng như vậy là hay nhưng thật ra lại hóa rồ!

KINH LUẬT SƯ

KHÔNG TIỀN CÓ PHƯỚC?


Một thời bấy giờ, Hòa Thượng Thích Không Giàu đang trú tại am thất Vui Không Bạc, trong tịnh xá Ưa Không Vàng, thuộc xứ Không Đô La. Cư sĩ Hộ Tự vốn nghe danh ngài đã lâu, nay cơ duyên thuận tiện, cư sĩ không ngại đường xa tìm đến tận nơi vấn đạo. Sau khi đảnh lễ và vấn an vị cao tăng xong, cư sĩ Hộ Tự hỏi:
_ Thưa Hòa Thượng, cư sĩ chúng con cúng dường tiền cho tu sĩ có phước báu như thế nào ạ?
Hòa Thượng Thích Không Giàu mỉm cười:
_ Chỉ có quả báo chứ không có phước báu!
_ Quả báo gì cơ?
_ Cùng đứng chung trước vành móng… nhân quả!
_ Có tội ư?
_ Đúng vậy!
_ Hộ trì tu sĩ sao lại có tội?
_ Kẻ đưa tiền đút lót cho quan tham, có liên đới bị tội hối lộ không?
_ Thưa có. Nhưng bạch ngài, ở đây là tu sĩ chứ không phải quan tham, là hộ Tăng chứ không phải hối lộ?
_ Cũng vậy thôi! Một Tỳ-kheo nhận tiền là vì còn tham tiền, là phá giới, là lủng giới rồi. Tu sĩ tham tiền phá giới có làm tổn hại Tam Bảo không?
_ Dạ, có.
_ Tu sĩ tham tiền phá giới, làm tổn hại cho Tam Bảo có còn phước báu không?
_ Thưa, không.
_ Kẻ tạo điều kiện cho tu sĩ phá giới, mất phước, phá hoại Tam Bảo có chịu tội liên can không?
_ Dạ, có.
_ Cư sĩ cúng dường tiền khiến Tăng Ni phá giới, mất phước báu, còn mình tiếp tay tạo tội. Việc này nên hay không nên làm?
_ Thưa, không nên.
_ Vả lại, nơi nào nặng mùi đồng tiền tanh tưởi, nơi đó hương vị Đạo không còn, tình nghĩa nhạt nhòa. Mới trăm năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, các Tỳ-khưu Vajji phá giới nhận tiền. Dân chúng tại đó kháo nhau họ không phải là con Phật.
_ Nhưng nếu vậy, cư sĩ chúng con làm thế nào để hộ trì Tăng Bảo đúng pháp, kiếm được nhiều phước ạ?
_ Câu hỏi này đáng ra phải hỏi trước, ông lại hỏi sau. Ông nghe đây, muốn hộ Chúng độ Tăng đúng pháp để có phước báu to lớn, trước hết, người cư sĩ cũng phải giữ tròn năm giới. Thứ hai: tứ sự cúng dường phải được tạo ra một cách chân chánh, đúng pháp. Thứ ba: cúng dường vị Tỳ-kheo giữ giới hạnh thanh tịnh chắc chắn có phước nhiều hơn vị Tỳ-kheo phá giới. Thứ tư: cúng dường tận tay và với tâm hoan hỷ.
_ Nhưng thưa ngài, thời nay chùa chiền, tịnh xá cần phải có tiền để lo cho Tăng chúng, và chi phí nhiều việc khác như tiền điện, tiền nước v.v...
_ Thời Phật nhiều thứ cũng phải mua, phải trả tiền! Tất nhiên có điều kiện thuận tiện tu hành vẫn tốt hơn; nhưng tu sĩ cứ ôm giữ tiền, lo mấy chuyện đó, họ còn thời gian, tâm trí đâu tu tập Giới-Định-Tuệ. Người cư sĩ giúp Tăng Ni vượt qua mâu thuẫn này, chính là tạo phước báu hộ trì Tam Bảo cho mình.
_ Thưa, chư Tăng Ni không được nhận tiền bạc nhưng cư sĩ chúng con vẫn có thể đóng góp tiền cho quỹ cúng dường Tam Bảo để khi hữu sự cần đến?
_ Đó là tạo phước hợp pháp, vì người tu sĩ giữ giới trọn vẹn, không dính dáng đến tiền bạc!
_ Có vài vị tăng nói rằng vì sợ người khác giữ tiền trốn luôn nên họ phải tự giữ.
_ Không thể dựa vào đây để phá giới của Phật, phải biết “chọn mặt gửi vàng” chứ. Ngay trong thời Phật, vấn đề này đã được Ngài tuyên bố dứt khoát rồi. Chính Ban Hộ Tự và mỗi người cư sĩ phải có trách nhiệm bảo vệ phần phước cúng dường của mình và của hội chúng. Nếu không, Tăng Ni nhận tiền, họ cũng trốn đấy!
_ Thưa, Tăng Ni sợ gì phải trốn và trốn đi đâu?
_ Trốn xuống đọa xứ, xuống địa ngục chứ đi đâu! Ông muốn cộng nghiệp với họ không?
_ Dạ, con hiểu rồi. Cảm ơn Hòa Thượng. Nhờ ngài con mới biết cúng dường đúng pháp và không đúng pháp. Con xin gửi biếu Hòa Thượng… À quên, con đi tìm Ban Hộ Tự đây.
_ Mô Phật! Biết cúng dường đúng pháp sẽ tạo quả lành cho thí chủ!
___________________
LUẬT TRÍCH LỤC
THUYẾT GIỚI ƯNG XẢ ÐỐI TRỊ
(Nissaggiyapācittiye vitthāruddeso)
Trích PHẨM 1: PHẨM Y
“10. Ðức vua, quan lại, Bà-la-môn hoặc gia chủ gởi theo sứ giả số tiềnsắm y, nói rằng: "Ngươi hãy lấy số tiền sắm y này mua y rồi dâng cho vị Tỳ-kheo tên ấy mặc".
Nếu vị sứ giả ấy đi đến vị Tỳ-kheo nọ và nói như sau: "Bạch Tôn giả, số tiền sắm y này được để dành cho Ngài, xin Ngài hãy nhận lãnh số tiền sắm y" vị Tỳ-kheo nọ nên bảo sứ giả rằng: "Này đạo đạo hữu, chúng tôi không thọ nhận tiền sắm y, chúng tôi chỉ nhận lãnh y hợp thời thôi" Nếu vị sứ giả ấy nói với vị Tỳ-kheo nọ rằng: "Có ai là người phục dịch cho Tôn giả chăng?"
Nầy chư Tỳ khưu, vị Tỳ-kheo có nhu cầu y thì nên chỉ ra người phục dịch hoặc người hộ tự hoặc một cận sự nam“Này đạo hữu, đó là người phục dịch của chư Tỳ khưu".
Nếu vị sứ giả ấy giao việc cho người phục dịch kia rồi, bèn đến vị Tỳ-kheo nọ mà nói như sau: "Bạch Tôn giả, người phục dịch mà Ngài đã chỉ ra, người ấy được tôi giao việc rồi, Tôn giả hãy đến họ và họ sẽ dâng y hợp thời cho Ngài mặc".
Nầy chư Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo có nhu cầu y nên đến người phục dịch mà thông báo gợi ý đôi ba lần rằng: "Ðạo hữu, tôi cần y". Khi thông báo gợi ý đôi ba lần, có được y ấy, như thế là tốt; bằng không thành thì phải đứng im lặng trước mặt họ bốn năm lần; nhiều lắm là sáu lần; khi đứng im lặng trước họ bốn, năm, sáu lần mà có được y ấy như thế là tốt, nếu không thành mà cố gắng vượt quá hạn ấy, thành tựu y, phạm ưng xả đối trị.
Nếu vẫn không thành thì từ đâu đưa tiền sắm y, phải tự mình đến đấy hoặc phái người đi, nói rằng:
"Các đạo hữu, tiền sắm y mà các ông đã gởi để dâng vị Tỳ-kheo, tiền đó không thành tựu lợi ích gì cho vị Tỳ-kheo ấy; các ông hãy đòi lại vật sở hữu, đừng bỏ phí vật sở hữu của các ông". Ðây là cách làm đúng trong trường hợp này.” (Trích Tạng Luật, TK Indacanda dịch)
{ Thừa tự Luật trích lục:
Theo lời dạy trên, vị Tỳ-kheo có thể chỉ định vị hộ tự hoặc cận sự nam tin cậy để lo tứ vật dụng hoặc những việc đúng Pháp, đúng Luật cho Tăng.
Tiền bạc ngay từ thời Phật đã phát sinh những vấn đề khiến Đức Thế Tôn không ít lần lên tiếng chấn chỉnh, răn dạy, chế luật đối trị. Mỗi Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam nữ cư sĩ cần ý thức rõ để giữ tròn nhiệm vụ của mình.
- $ -
GIỚI ƯNG XẢ ĐỐI TRỊ TỔNG QUÁT
Trích PHẨM 2: PHẨM TƠ TẰM
Điều 18: Vị Tỳ-kheo nào nhận lấy vàng và bạc, hoặc sai nhận lấy, hoặc vui thích của để dành cho, phạm ưng xả đối trị.
[106] ... Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực. Nếu có người phụ việc chùa hoặc nam cư sĩ đi đến nơi ấy thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy nhận biết vật này.” Nếu người ấy nói rằng: “Với vật này, hãy để cho vật gì được mang lại?” Không nên nói rằng: “Hãy mang lại vật này hoặc vật này.”
Nên đề cập đến vật được phép là bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc mật ong, hoặc đường mía. Nếu người ấy sau khi dùng (vàng bạc) ấy trao đổi và đem lại vật được phép thì tất cả nên thọ dụng trừ ra vị đã thọ lãnh vàng bạc. Nếu điều ấy có thể đạt được như vậy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không thể đạt được thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy quăng bỏ vật này.”
Nếu người ấy quăng bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu (người ấy) không quăng bỏ thì nên chỉ định vị quăng bỏ vàng bạc là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: là vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, là vị biết vật đã được quăng bỏ hoặc chưa được quăng bỏ.
Điều 19: Vị Tỳ-kheo nào dự việc mậu dịch tài sản bằng mọi hình thứcphạm ưng xả đối trị.” (Trích “Luật Nghi Tổng Quát”, TK Giác Giới biên soạn)
{ Thừa tự Luật trích lục:
Giới luật đã rõ ràng cụ thể, vấn đề còn lại ở chỗ ý thức của người thọ trì. Phải thấy phạm tội là phạm tội, nhờ vậy nếu chưa phạm sẽ không phạm, hoặc nếu đã lỡ lầm phải thực tâm sám hối, được vậy sẽ giúp tránh khỏi tội.
Còn dùng lý lẽ này khác để biện minh cho tội lỗi, thì chưa phạm sẽ phạm tội, phạm tội rồi sẽ tiếp tục phạm nữa. Theo kiểu như thế này:
Tội do tâm khởi, do tâm diệt.
Tâm đã tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh , thảy đều không
Đó mới thực là chân sám hối
Pháp và Luật của Đức Thế Tôn biến mất cũng vì những “chân sám hối” kiểu này.
- $ -
Dưới đây là các trích lục trong kinh Nikāya do HT Thích Minh Châu dịch Việt
Đức Phật dạy trong kinh ‘Manicùlam (Châu Báu Trên Đỉnh Đầu) (S.iv,325)
“Này Thôn trưởng, các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc.
Ðối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng được phép dùng năm dục công đức. Ðối với ai được phép dùng năm dục công đức, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa-môn pháp, phi Thích tử pháp.
Này Thôn trưởng, Ta nói như sau: Cỏ được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỏ. Củi được đi tìm cầu bởi ai cần đến củi. Cỗ xe được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỗ xe. Người được đi tìm cầu bởi ai cần đến người. Nhưng này Thôn trưởng, không bất cứ một lý do gì Ta nói rằng vàng, bạc được chấp nhận, được tìm cầu”.
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Kính lạy Đức Thế Tôn, lời Ngài răn dạy là như thế, nhưng một số nơi đã quên đi đến nỗi sự thọ dụng năm dục công đức được xem là phước báu của người tu. Nhiều nơi đua nhau sắm xe hơi,  mua Iphone, Ipad đời mới mắc tiềnphòng ngủ lắp máy lạnh  v.v… và v.v…
 Khi tìm cầu đủ thứ thì cũng phải có tiền thỏa mãn đủ thứ với bất cứ cách thức nào, bất cứ phương tiện gì. Luật thanh tịnh trở thành sợi dây phiền toái. Đạo giải thoát trở thành điều mơ hồ viễn vông. Lý tưởng thoát khổ biến mất, thay vào đó là cuộc sống nửa đạo nửa đời và khổ đau toàn diện, giống như khúc cây cháy hai đầu đã được Đức Thế Tôn nhắc đến trong đoạn kinh sau đây:
“Vị ấy có tham dục đối với các dục vọng, tham ái cuồng nhiệt, tâm tư sân hận, tư niệm ô nhiễm, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que củi từ chỗ hỏa táng, cả hai đầu đều cháy, ở giữa lại dính phân, không được dùng làm củi trong làng, không được dùng làm củi trong rừng.
Dùng ví dụ ấy, Ta tả cho các Ông con người ấy, đã mất cả nhà và tài sản, lại không làm viên mãn mục đích của Sa-môn hạnh” (TƯ3, 91= [Ve.7.80.18]).
- $ -
Đức Phật dạy trong kinh Các Uế Nhiễm, Tăng Chi tập 1, Chương 4, V. Phẩm Rohitassa
“… 2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng. Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn uống rượu men, uống rượu nấu, không có từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ nhất của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn, không có cháy sáng... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn, hưởng thọ dâm dục, không từ bỏ dâm dục. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ hai... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba... không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn sinh sống với tà mạng, không từ bỏ tà mạng. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ tư của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, nên các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Bốn uế nhiễm của các Sa-môn, Bà-la-môn cũng là bốn uế nhiễm của người tu sĩ nói chung. Những lời dạy chí tình của Đấng Ân Sư Từ Phụ cần phải được nhắc đi nhắc lại, ghi nhớ hành trì. Được vậy những người con của Ngài mới thoát khỏi vũng lầy của đau khổ, đọa xứ.
- $ -
Kinh Trùng Phẩn (Tạp, Ðại 2, 346a) (S.ii,228)
1) ... Tại Sāvatthi.
2) -- Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một con trùng phẩn, ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt có một đống phân lớn.
4) Nó khinh miệt các con trùng phẩn khác và nói: "Ta ăn phân, đầy những phân, tràn ngập những phân, và trước mặt ta, có đống phân lớn này".
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào làng hay thị trấn để khất thực. Vị ấy tại đây đã ăn uống no đủ, lại được mời vào ngày mai, và bình bát của vị ấy được tràn đầy.
6) Vị ấy đi đến ngôi vườn (tịnh xá) và giữa chúng Tỷ-kheo khoe khoangnhư sau: "Ta ăn uống no đủ, lại được mời vào ngày mai, và bình bát này của ta tràn đầy. Ta nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh. Nhưng các Tỷ-kheo khác công đức ít, ảnh hưởng ít, không nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh".
7) Vị ấy bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm, khinh miệt các Tỷ-kheo chánh hạnh khác. Này các Tỷ-kheo, như vậy sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho kẻ ngu si ấy.
8) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng...
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.”
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Kính lạy Đức Thế Tôn, những ai là những người con chân chính của Ngài sẽ phải ghi tâm khắc cốt, học tập những lời dạy thực sự của Ngài.
Phước có hai loại là phước hữu lậu và phước vô lậu. Phước hữu lậu là phước đi kèm với phiền não khổ đau như có danh vọng, tiền bạc, chức tước. Phước vô lậu là phước giải thoát khổ đau hiện tại lẫn tương lai.
Bồ-tát Gotama có tột đỉnh phước hữu lậu, nhưng Ngài từ bỏ tất cả để đạt phước vô lậu giải thoát. Nhưng nhiều người con của Ngài làm ngược lại, họ quay lưng với phước báo giải thoát để bòn mót phước của phiền não ưu sầu.
Đức Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc để dấn thân làm vị Khất Sĩ gieo duyên cứu độ chúng sanh, nhưng nhiều con Ngài từ bỏ đạo hạnh thanh bạch, đua nhau xây chùa vàng điện ngọc để thụ hưởng tranh đua.
Do vậy chỉ có kẻ ngu si mới dựa vào lợi đắc, cung kính, danh vọng để khoe khoang, khinh miệt các vị tu hành chân chánh. Kẻ kiêu căng làm vậy chỉ gặt lấy bất hạnh khổ đau lâu dài như những con trùng ăn phẩnmà thôi.
PHẠM THIÊN HÀNH LUẬT