Như được biết kinh Pháp Hoa cũng như hầu hết các kinh Đại thừa khác đều xuất hiện sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, và phần lớn do các luận sư gốc Bà-la-môn kết tập và giới thiệu tại Trung Quốc.
Theo các nguyên tắc khách quan khoa học, các bản văn 'hậu sinh' này được xếpvào loại tài liệu thứ cấp, không đáng tin cậy bằng các kinh luật gốc như các tạng Pali Nikaya và Patimokkha. Do vậy một người trí phải căn cứ vào các tài liệu gốc Nikaya và Patimokha này trước, rồi mới đến các tài liệu thứ cấp Đại Thừa.
Những ai có kinh nghiệm trong cuộc sống đều tin lời Phật trong chánh kinh Nikaya khi Ngài nhận định về Bà-la-môn Bhaggava:
“Này Bhaggava, thật khó cho Ngươi khi Ngươi theo các kiến giải sai khác, kham nhẫn các sự việc sai khác, theo dõi những mục tiêu sai khác, đeo đuổi những mục đích sai khác, được huấn luyện theo các phương pháp sai khác để có thể đạt được thanh tịnh, giải thoát” (Kinh Ba-lê, Trường Bộ Kinh, số 24)
Cho nên chính Đức Thế Tôn đã từng ban hành luật xuất gia cho các ngoại đạo: “-- Này Kassapa, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, nếu chúng Tăng đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau” [Bài kinh “Loã Thể” (S.ii,18)]
Các Tỳ-kheo đệ tử Phật có hiểu vì sao phải như vậy không? Các luận sư gốc Bà-la-môn và hội chúng mà họ tham gia quy y có tuân thủ đúng luật lệ này không? Vì sao giới luật này bị xóa bỏ trong các kinh A Hàm tương đương?
Mặc dù trong thời Phật vẫn có các Bà-la-môn quy y Phật thật sự, thế nhưng so với các luận sư gốc Bà-la-môn ra đời sau khi Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn như Đại Thiên, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Phật Âm… họ có sự khác biệt rất cơ bản. Đó là các luận sư Bà-la-môn sau này đã không được Vị Thiên Nhân Sư trực tiếp cải hóa, vì thế việc họ thực tâm cải tà quy chánh xem ra lại càng khó khăn hơn nữa.
Thêm vào đó, chính Đức Chánh Biến Tri đã tiên tri rằng Phật giáo từ năm trăm sau khi Phật nhập diệt đã không còn. Thử hỏi vào thời điểm “vàng thau lẫn lộn” chánh tà khó phân ấy, lấy ai ấn chứng cho sự thành tựu của các “Bồ-tát” gốc Bà-la-môn?
Ai bảo đảm cho sự quy y của họ? Nếu chỉ dựa vào tin đồn, truyền thuyết để vội vã tin các tổ sư gốc Bà-la-môn là Thánh tăng thì… thật điên rồ! Còn dựa vào mớ kinh văn, luận giải đồ sộ trái ngược với tinh thần Nikaya của họ thì lại càng điên rồ hơn nữa!
Lại nữa, trong tạng Luật, Đại Phẩm, đoạn [126], Đức Phật đã nói cho một con rồng giả dạng làm tỳ-khưu: “- Các ngươi là loài rồng không có được pháp tiến bộ trong Pháp và Luật này. Này rồng, ngươi hãy đi đi. Và hãy tiến hành Uposatha vào ngày mười bốn, ngày mười lăm và ngày thứ tám của mỗi nửa tháng ở ngay nơi ấy, như thế ngươi sẽ hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và sẽ thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng.” (Bản dịch của TK Nguyệt Thiên)
Đến loài rồng dù có nhiều thần lực nhưng vẫn còn chưa đủ phước duyên để được tu theo giáo pháp này, huống hồ các chúng sanh khác như các loài bàng sanh, súc sanh, ngạ quỷ. Loài rồng còn phải tu hành giữ giới nhiều hơn nữa mới được thoát kiếp rồng, tiến hoá làm người.
Thế nhưng kinh Pháp hoa của Đại thừa lại có chuyện “chúng sanh đồng Phật tánh” (?) Rõ ràng những ai tin theo giáo lý “thâm sâu” này đã mắc phải cái lưỡi câu hai móc của các luận sư gốc ngoại học: vừa mang tội xúc phạm danh hiệu Phật vừa tự xếp mình ngang hàng với các loài bàng sanh, súc sanh, ngạ quỷ. Hỡi ôi, khốn khổ xiết bao!
Quả thật: “Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu Pháp biến mất” (S.ii,223).
PHẬT HỌC TINH HOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét