Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

BÁC TÀ KINH PHÁP HOA CỦA ĐẠI THỪA: NHÀ LỬA, XE LỬA, NGỌC LỪA


Trên pháp tòa, vị pháp sư đang say sưa kể chuyện về một ông “đại trưởng giả, tuổi già, lắm của, nhiều nhà đất và tôi tớ”. Tuy sống cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, nhưng hình như, ông đã biết áp dụng phương pháp sanh sản vô tính, đẻ con trong ống nghiệm hàng loạt, nên dù có đến hai ba chục người con nhưng đứa nào đứa nấy vẫn còn ngây thơ nhỏ dại khiến ông phải tay ẳm tay bồng.
Một hôm, căn nhà cũ nát (?) rộng đến năm trăm người ở nhưng chỉ có một cửa (?) của ông đại trưởng giả bị cháy. Thế nhưng đám con ngu ngốc của ông vẫn ham chơi không chịu chạy ra, dù ông khuyên bảo thế nào chúng cũng không nghe.
Ông đại trưởng giả tuy già rồi nhưng vẫn còn gân “lại nghĩ, thân mình và cánh tay của ta rất mạnh, ta có thể dùng vạt áo hoặc ghế đẳng, gom các con (30 đứa?) lại ôm mà chạy ra”, khốn nỗi vì đám con còn quá khờ dại “nên có thể có đứa rơi xuống mà bị lửa đốt cháy”.
Tính kế không xong, cuối cùng ông nhà giầu bèn dùng phương tiện xảo thiệt, biết đám con mê xe nên ông bảo với chúng ông có nhiều xe to đẹp để ở ngoài cửa. Đám trẻ khờ khạo tin lời ông chạy ra, thế là cả lũ thoát chết…
Nghe đến đấy, đứa bé gái quay sang hỏi mẹ:
_ Nhà giầu, đông gia nhân tới hàng trăm người, lại có tới hai ba chục đứa con nhưng tất cả đều còn nhỏ dại, hẳn ông lão phải có nhiều vợ. Nhà cháy, tất cả bọn họ ở đâu lại để một mình ông lão phải “tay sách nách mang” lũ trẻ hả mẹ?
Giật mình vì câu hỏi hữu lý của đứa con nít, bà mẹ buộc lòng phải trả lời cho qua chuyện:
_ À… ừ… thì vì ông ta có thần thông nên khi nhà cháy ông hô biến mất tất cả bọn họ. Có vậy, ông mới “đẻ” ra được mấy cỗ xe to lớn để dụ dỗ bọn trẻ ngu đó chứ!   
Bé gái lại hỏi tiếp:
_ Đám trẻ khờ dại vì ham xe nên mới chạy ra khỏi nhà lửa, nhưng nếu xe to đẹp của ổng cũng cháy, tụi nhóc ngố mê xe đó chạy đi đâu hở mẹ? Đã không thấy sự nguy hiểm của “nhà lửa”, làm sao bọn chúng biết được sự nguy hiểm của “xe lửa”?
Bà mẹ cười khì, chép miệng:
_ Chậc, xe giả! Giống như đồ chơi của con thì làm sao mà cháy được.
Như chợt hiểu ra điều gì, bé gái nháy mắt nhìn mẹ, giọng hóm hỉnh:
_ Như trong kinh Nguyên thủy, yêu quái cũng biết giả lời Phật phải không mẹ?
Đang cầm đóa hoa sen giả trong tay, bà mẹ đưa lên, im lặng, mỉm cười. Cả hội chúng ngơ ngác nhìn bà mẹ chẳng hiểu gì cả. Duy chỉ có bé gái là hiểu được nên vội lấy tay bụm miệng cười.
Trên “Như Lai Toà”, vị pháp sư vẫn miên man làm mê say đồ chúng với câu chuyện về viên ngọc của một ông nhà giầu khác. Chuyện kể rằng, trước khi chết, ông trưởng giả biết con mình ngu si sẽ ăn tiêu hết tài sản, nên ông lão đã bí mật nhét viên ngọc quý vào chéo áo cũ và dặn con phải gìn giữ kỹ cái áo. Mãi sau này nhờ người khác chỉ cho, kẻ cùng tử mới biết bấy lâu nay mình vẫn mang ngọc quý trong người.
Đứa bé gái lại hỏi mẹ:
_ Đã biết con mình ngu, tài sản sờ sờ ra đó còn không giữ nổi, tại sao ổng lại cho ngọc ngớ ngẩn kiểu đó? Gặp bọn bất lương tráo ngọc giả, tên ngốc tử khổ cả đời sao mẹ? Sao ổng không giao ngọc cho một người tin cậy khác giữ dùm? Bộ ổng ngố hơn con ổng hả mẹ?
Bà mẹ đã thấy nhột nhạt vì những câu hỏi của con, nhưng cũng đành giả lả:
_ Ờ...thì... ông lão bắt buộc phải cho như thế mới “nặn” ra chuyện mỗi người có sẵn một “viên ngọc” trong mình và phải nương kẻ khác chỉ cho mới thấy. Con à, con còn quá nhỏ làm sao biết được viên ngọc đó?
Bé gái nhấn giọng mạnh mẽ:
_ Con chẳng tin và cũng chẳng mất công đi tìm viên ngọc mà con biết chắc chắn là giả ấy!
_ Vì sao con dám quả quyết như vậy?
_ Vì cô bé quàng khăn đỏ và bà ngoại của cô cũng do quá tin lời con cáo biết giả giọng người thân của họ nên mới gặp tai họa. Vị pháp sư trên kia muốn cho con tin có viên ngọc đó, trước hết, hãy chứng tỏ viên ngọc trí tuệ của mình bằng những ví dụ khôn ngoan và hợp lý hơn một tí.
Thích chí với câu trả lời của con gái, bà mẹ mỉm cười dọ ý:
_ Dù sao, ví dụ về viên ngọc cũng được nêu ra lần đầu tiên bởi một người có trí tuệ “tiểu thừa” thôi, nhưng nó đã được công nhận bởi một người siêu trí tuệ và nhiều người đại đại trí tuệ. “Chiếc xe to lớn và viên ngọc” đã tồn tại hàng ngàn năm rồi con ạ!
Bé gái trề môi, lắc đầu thất vọng:
_ Nghe một ví dụ vô lý mà không biết phê phán, liệu người nghe và chấp nhận nó có “thừa tiểu” hơn không? Mọi người chỉ biết cả tin và nhắm mắt đi tìm “ngọc dụ” mà quên trước đó không tự hỏi mình: “Liệu có chăng một con cáo biết giả giọng người khác và cũng biết “phun châu, nhả ngọc” để dụ dỗ những kẻ nhẹ dạ rời xa căn nhà đang che chở cho họ?”. Ham đi tìm ngọc giả lại lạc đường ma đạo thì ngàn năm vẫn như thế. Thầy giáo con dặn “Chớ có tin cho dù đó là kinh điển hay truyền thống”.
Câu chuyện của hai mẹ con phải dừng lại vì tiếng xuýt xoa của hội chúng. Giọng của vị pháp sư giờ đây trở nên mềm mỏng hơn khi kể chuyện về một vị siêu nhân. Ông ta gặp ai cùng hội cùng thuyền cũng kính cẩn vái lạy lia lịa, còn miệng cứ líu lo lấy cảm tình: “Lạy các ông, tôi không dám khinh thường các ông. Rồi các ông cũng sẽ thành Phật!”.
Bé gái lại thì thầm vào tai mẹ:
_ Bộ thánh nhân cũng giống mấy người máy rô-bốt ở hội chợ, gặp ai cũng chỉ biết: “Hello! Welcome! Good boy! Good girl!” hả mẹ? Chẳng lẽ ông ta cũng lạy cả những kẻ diệt chủng, khủng bố, loạn luân dâm ác, những kẻ dám giết sạch gia đình ổng? Hay ông ta là gián điệp dùng khổ nhục kế tôn vinh cả những kẻ gian ác, ngu si không phân biệt ai với ai để tầm thường hoá danh hiệu Phật? Thảo nào, có lắm kẻ tu hành giả mạo lại dám lớn tiếng tự xưng mình là “Phật mẫu”, “Phật sống”, thế nhưng vẫn có nhiều các con nhang đệ tử tin theo họ răm rắp. Quả thật “lửa xe to” cũng là lửa si mê, lửa tà tín, lửa tà kiến, lửa địa ngục mẹ nhỉ!
Đến đây bà mẹ cũng đành phải lắc đầu chép miệng, vội vàng dắt con ra về, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Cứ tưởng con gái mình khù khờ, nào dè còn nhiều kẻ khù khờ hơn, rõ khổ! Bấy lâu mình đã mệt vì nuôi con thì chớ, giờ lại càng mệt hơn vì sự kết tập kinh…dị của các tổ sư Bà-la-môn gián điệp và những ai tin vào họ, rõ chán!”
Rồi bà lại nghĩ thầm trong bụng, mai sau khi con gái bà khôn lớn, có trí tuệ suy tư phân tích nghiêm túc, có khả năng phản biện chân chánh của một con người lương thiện; bà sẽ thách thức nó hãy tìm ra một sai lầm cơ bản, dù nhỏ như đầu sợi lông sư tử, trong hàng ngàn những ví dụ đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Thánh A La Hán Thanh Văn TIỂU THỪA đưa ra trong kinh tạng Nikaya Pali cấp I. Nghĩ đến đây, bà mẹ mỉm cười, vì bà biết chắc chắn con gái bà sẽ thất bại.
Bất giác bà mẹ nhìn vào mắt con như muốn nhắc nhở con phải ghi nhớ thêm một điều quan trọng, rồi bà ung dung tụng lớn bốn câu kệ trong bài kinh “Các Ngoại Đạo Sư” thuộc Tương Ưng Bộ:
Con giả can ghê tởm,
Có tru sủa thế nào,
Làm sao sánh bằng được,
Tiếng rống con sư tử 
(S.i,65)
Giữa tiếng gầm rống thực sự của sư tử và những tiếng sủa hùa theo quấy phá của bầy chó rừng, chỉ có những ai bị bịt mắt bịt tai, cùng đeo nặng một đức tin mù quáng trong một trí-tuệ-còn-hôi-mùi-sữa do phá giới bẻ luật mới không phân biệt được.
THIÊN NỮ VISAKHA
(Cung Trời Đâu Xuất)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét