Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Nhịn ăn chữa bệnh?

Đệ tử Bụt: _ Này ông, có không ít người bị bệnh nghe theo mấy ông thày lang băm miệt vườn bắt nhịn ăn để chữa trị.
Phật tử: _ Có bệnh thì vái tứ phương, gặp phường tà vạy hết đường sống thôi. Tôi là đệ tử Phật Thích Ca, tôi đọc cả tạng Kinh gốc chẳng thấy có chỗ nào Ngài dạy nhịn ăn để chữa bệnh.
Đệ tử Bụt: _ Người ta không đọc Kinh gốc, chỉ thích đọc sách sốc kinh. Có người bị bệnh viêm gan siêu vi B, ông thầy bảo phải nhịn ăn 49 ngày mới khỏi. Ông thày “ní nuận” mình nhịn ăn uống, con vi-rút trong gan không có đồ ăn thức uống, nó sẽ chết trước.
Phật tử: _ Trời đất quỷ thần ơi, con siêu vi-rút nó ăn gan chứ có ăn cơm uống nước như người đâu mà chết. Con vi-rút không chết trước mà coi chừng người chết trước vì nhịn ăn suy kiệt. Người chết nhưng lá gan vẫn còn, con vi rút vẫn sống khỏe chứ làm sao chết được.
Đệ tử Bụt: _ Đúng vậy, cho nên người bị bệnh viêm gan ấy sau khi suýt chết vì nhịn ăn, cuối cùng đã ăn và uống thuốc trở lại nên khỏi bệnh. Cả nhà ú tim! À, có nhiều người bị trĩ, bị mụn nhọt, bị ung thư… cũng nhịn ăn vì tin rằng trĩ, mụn nhọt, ung thư không có “thức ăn” sẽ tiêu luôn. Nói chung bệnh gì cũng phải nhịn ăn để bệnh “hết đường sống”.
Phật tử: _ Bệnh “hết đường sống” hay người hết đường sống? Mình nhịn ăn, kháng thể trong người suy giảm, sức khỏe suy yếu, bệnh sẽ nặng thêm chứ làm sao khỏi được. Bệnh có hết chăng hoặc chỉ do tin đồn, hoặc “phước chủ lộc thầy” bệnh nhân hết nghiệp hết bệnh, thầy lang hưởng ké mà thôi.
Đệ tử Bụt: _ Có khi “cá ngáp phải ruồi” hoặc người mập nhịn ăn được ốm bớt khỏe ra. Thói thường có ít người ta sít ra nhiều.
Phật tử: _ Mấy ông thày lăng băm là chúa tung tin đồn thất thiệt để câu khách kiếm danh kiếm lợi.
Đệ tử Bụt: _ Có ông thầy miệng ăn uống đầy đủ, nhưng mồm luôn bảo rằng nhịn ăn để tẩy hết chất độc trong người, để thanh tịnh hóa thân thể. Có kẻ nghiện rượu bị xơ gan, kẻ khác hút thuốc bị lao phổi, cả hai nghe nói nhịn ăn giúp tẩy độc ra ngoài liền nhắm mắt thực hành theo.
Phật tử: _ Kết quả thế nào?
Đệ tử Bụt: _ Bệnh nặng thêm!
Phật tử: _ Chứ gì nữa! Cơ thể con người không lúc nào không tự tẩy chất độc thừa thãi ra ngoài như phân, nước tiểu, ghèn, mồ hôi… bằng hệ bài tiết dưới da và qua cửu khiếu.
Đệ tử Bụt: _ Trong đó gan và phổi là hai bộ phận cực kỳ quan trọng.
Phật tử: _ Cũng đúng luôn. Hai bộ phận này đã hư hại vì chất độc rượu, thuốc lá; bệnh phát sanh không lo uống thuốc và ăn uống thích đáng để chữa trị và phục hồi; trái lại nhịn ăn suy kiệt, làm sao không đi sớm.
Đệ tử Bụt: _ Đây là kiến thức y học phổ thông. Học sinh cũng hiểu.
Phật tử: _ Không sai. Nhưng nhiều trí thức khoa bảng lại không nhớ, đi nghe mấy ông thầy ‘nước lã’, bắt nhịn ăn thải độc.
Đệ tử Bụt: _ Mấy thầy lang băm nói nhịn ăn một thời gian cơ thể sẽ bốc mùi hôi, một thời gian nữa khạc đờm nhiều… đó là chất độc khử ra ngoài. Có người thấy đúng như vậy, tin ông thày như Thánh sống!
Phật tử: _ Trời đất. Cơ thể nào không hôi với 32 thể trược. Không tắm rửa một ngày cũng đủ bốc mùi. Nhịn ăn, cơ thể suy yếu, kháng thể suy giảm, các vết nội thương và vi trùng có cơ hội phát tác, cho nên sanh đờm nhiều, mủ nhọt nhiều chứ sao.
Đệ tử Bụt: _ À, còn có chuyện một ông Tăng bị bệnh, cũng nhịn ăn 49 ngày, xong ra thất còn chẻ củi tỉnh bơ khiến nhiều người thán phục.
Phật tử: _ Ổng có hết bệnh không?
Đệ tử Bụt: _ Không! Sau đó ổng còn bị phi nhân quấy rối khiến điên điên khùng khùng. Cuối cùng ổng bỏ đạo trở lui đời.
Phật tử: _ Tà tinh tấn tất nhiên phải như thế! Ông nên nhớ Đức Bồ-tát Gotama khổ hạnh bậc nhất, nhịn ăn đệ nhất; đến độ Ngài chỉ còn bộ xương khô chờ chết, nhưng vẫn không tìm ra Chân lý.
Đệ tử Bụt: _ Sau đó Ngài ăn uống trở lại và chứng đắc Đạo Giải Thoát Niết Bàn và tuyên bố con đường Trung Đạo - Tám Chánh Đạo, không sa vào hai cực đoan của vô minh là khổ hạnh ép xác và tham dục cõi đời.
Phật tử: _ Đúng vậy! Tham ăn bị béo phì cũng khổ. Nhưng nhịn ăn khổ hạnh bậc nhất, Đức Phật đã đi qua và dạy chúng ta không nên đi lại. Ấy thế mà nhiều người vẫn nhắm mắt lao đầu vào bụi gai.
Đệ tử Bụt: _ Nghe nói trong Kinh và Luật gốc, có rất nhiều lời dạy giúp tăng cường sức khỏe, phòng tránh và trị bệnh rất hay. 
Phật tử: _ Không những hay mà còn đúng với y lý, y học, khoa học, đạo đức học, xã hội học, giáo dục học… nữa. Đức Phật dạy từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, thở hít, ngủ nghỉ cho đến lợi ích của cây tăm, bát cháo v. v... rất tỉ mỉ và rất đầy đủ giúp người tu sĩ tu tập trọn vẹn về thân, về giới, về tâm, về tuệ. Trong tạng Luật có cả một chương nói về vị Thần Y Jivaka với những vị thuốc, phương thức trị bệnh độc đáo hiệu quả.
Đệ tử Bụt: _ Đáng tiếc người đời sau đã quay lưng quên lãng. Đời đã khổ vì sanh-già-bệnh-chết, giờ lại càng khổ thêm vì tà kiến, tà tín, tà hành.
Phật tử: _ Cái này gọi là “khổ - khổ”.
Đệ tử Bụt: _ Khổ thật! Khổ ơi là khổ! Tôi mới nghe nhịn ăn chữa bệnh thôi cũng muốn bệnh theo, khổ theo! Từ nay về sau tôi chỉ nghe lời Đức Phật Thích Ca mà thôi!
Phật tử: _ Coi chừng Bụt Thích Ca giả à nghe! Thầy lang có lang thật, lang giả. Thuốc có thuốc thật, thuốc giả. Phật cũng có Phật thật - “Phật” giả đó! Tóm lại học ăn cũng phải có trí tuệ, học Phật càng phải có trí tuệ nhiều hơn.
Đệ tử Bụt: _ Chí lý, chí lý thay lời bậc Hiền trí! Vô trí tuệ bất thành đệ tử Phật! Xin cảm ơn Phật tử!
Đạo Y
-------------------
PHÁP TRÍCH LỤC
Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 5 Pháp, Phẩm Bệnh
] Bài kinh “Người Bệnh”, số 121
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesālī, tại Ðại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hành lang người bệnh. Thế Tôn thấy một Tỷ-kheo ốm yếu bệnh hoạn, thấy vậy Ngài ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
2. - Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát.
Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
* sống quán bất tịnh trên thân,
* với tưởng ghê gớm đối với các món ăn,
* với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới,
* quán vô thường trong tất cả hành,
* và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.
- Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát."

Câu hỏi:
1. Vì sao người bệnh lại phải quán tưởng ghê gớm đối với các món ăn?
2. Thế nào là nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết?
3. Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát là gì? Tâm giải thoát khác Tuệ giải thoát như thế nào?
3. Vì sao năm pháp trên gắn bó với người bệnh lại có kết quả như vậy?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét