Giới quang thần chưởng
Kim Zung Châm
Nguyên trên núi Phật Gia có hai nhà sư: sư Đại tuổi mùi, còn sư Tiểu tuổi… sư tử. Nhân có duyên sự, cả hai cùng đi sang chùa làng bên cạnh. Trên đường đi, sư Đại ỷ mình tài cao trí tuệ siêu quần, nên luôn miệng chê sư Tiểu là trí nhược tài hèn, chấp nê giới luật.
Cả hai đến chỗ ngã tư đường lầy, thấy vũng nước nhỏ và một cô gái trẻ đẹp đang loay hoay tìm cách vượt qua. Sư Đại liền nhanh tay phá chấp, tranh thủ bế sốc cô gái rồi phóng người nhảy qua vũng nước. Nhẹ nhàng đặt cô gái xuống, sư Đại thản nhiên bước tiếp.
Chiều tối về lại chùa, sư Tiểu khởi tâm từ bi muốn thi ân cứu giúp sư Đại, liền xuất khẩu thành chiêu “giới tịnh lạc trú”, nhắc nhở sư lớn:
_ Đức Thế Tôn đã tuyên bố: Tỷ-kheo thà ôm cột đồng nung đỏ mà chết còn hơn phá giới ôm nữ nhân. Vì dù vị Tỳ-kheo có chết do ôm cột đồng cháy đỏ cũng không vì thế mà bị đọa vào cõi dữ, trái lại phá giới ôm nữ nhân tất phải chìm đắm dưới địa ngục. Sư Đại không sợ địa ngục à?
Sư Đại đã không sợ thì chớ lại còn dụng thế “tâm bình phi luật” uốnlưỡi phản công:
_ Hừ, ta đã đặt cô gái xuống bên vũng nước từ lâu rồi, chứ có ‘ôm’ về chùa như sư Tiểu đâu!
Sư Tiểu biết sư Đại đã bị ngấm chất độc phong tình của phái Ma Đăng Già quá nặng. Giờ đây chất độc đã biến thành luồng khí đen phong tỏa khắp não bộ của sư Đại, cho nên ngài mới ăn nói ma le, lắt léo như vậy. Ngay tức thì, sư Tiểu xuống tấn dụng chiêu “gương hạnh thần công”, chuyển nội lực theo bí pháp cách mặt truyền âm, vừa nói nhỏ vào tai sư Đại vừa để ép chất độc ra ngoài:
_ Dám hỏi sư Đại, nếu trong đám đệ tử đi theo sư Đại có một tên rắn mắt, nó cũng bế cô em gái của sư Đại nhưng không nhảy qua vũng nước mà là bế lên giường. Xong việc, nó phủi tay như không có chuyện gì ầm ĩ. Sư Đại trách nó sao dám làm thế, nó cũng chây mặt bảo rằng nó đã đặt cô gái ở lại giường từ lâu rồi, chứ có đem về chùa đâu. Sư Đại nghĩ sao?
Sư Đại bị bất ngờ trước tuyệt chiêu quá lợi hại khiến ngài chới với hồi lâu. Nhưng do vẫn còn bị cảm giác đê mê của độc phong gây ra, ngài bèn quay sang dụng thế “rắn trườn, lươn uốn” né đòn:
_ Giả sử, cô gái té xuống sông chết đuối; ta không ôm, làm sao cứu?
Ngay tức khắc sư Tiểu phản lực:
_ Có cách cứu, không cần ôm. Cứu phải ôm, không có tội. Nhưng ở đây, chỉ là vũng nước chứ không phải dòng sông, cô gái muốn bước qua chứ không chết đuối. Sư Đại đừng lập lờ đánh lận con đen. Tôi nêu ví dụ thực tế để vạch rõ sự ngụy trá của sư Đại, trái lại sư Đại nêu ví dụ phủ nhận thực tế để ngụy trá cho sự phá giới của mình. Đại chỉ đánh lừa được những ai cũng phá giới như Đại; còn với người giới hạnh, đừng hòng!
Sư Đại bị trúng đòn thứ hai cực mạnh khiến rúng động toàn thân. Đến nước này ngài chỉ còn cách vận nội lực vào đan điền, thủ thế “kim cang mặt dày”, im lặng làm ngơ. Khốn nỗi sư Đại càng cố làm ra vẻ vô tâm bao nhiêu, khuôn mặt ngài lại càng trở nên đen xì, nham nhở bấy nhiêu. Quả thật sư Đại đã không thể ngờ được nội lực của sư Tiểu lại thâm hậu đến như thế.
Với tâm từ quảng đại muốn cứu giúp người anh em của mình, sư Tiểu tiếp tục dụng thế “chúng sanh đàm tiếu” điểm ngay huyệt mục-diện-bản-lai, buộc sư Đại phải tẩy não xả trừ độc ma:
_ Thực ra ái dục của sư Đại còn quá mạnh mẽ, che khuất cả mắt mũi, cho nên sư Đại đã không nhận ra quanh đó có bao nhiêu trai làng cũng đang thèm muốn ôm cô gái như Đại. Nhưng vì họ còn biết thế nào là liêm sỉ, là tự trọng và tôn trọng người khác, vì thế họ vẫn chưa dám ra tay. Cho nên, dù sư Đại đã đặt cô gái xuống, nhưng Đại vẫn không thể bỏ xuống được những ánh mắt khinh bỉ, những lời chê bai miệt thị của bọn họ dành cho sư Đại.
Phút chốc trên trán sư Đại lấm tấm những giọt mồ hôi lăn dài xuống khuôn mặt đang bị dãn ra như bong bóng xì hơi. Ngay lúc ấy, sư Tiểu liền kết thúc bài pháp thí của mình bằng chiêu “giới tuệ song hành”giúp sư Đại hồi đầu thị ngạn, cải tà quy chánh:
_ Đúng là tham dục quá mạnh đã che mờ trí tuệ của sư Đại. Trước một việc cỏn con đưa một cô gái qua vũng nước nhỏ nhoi mà phải phá giới, hóa ra xưa nay sư Đại chỉ có tà trí mà thôi. Tầm thường như Tiểu đây cũng có đến một ngàn lẻ một cách giúp cho cô gái nhưng vẫn giữ giới thanh tịnh. Thôi đi sư Đại à, tu hành với nhau biết quá mà, xảo ngôn làm gì cơ chứ, mau vào phòng sám hối kẻo địa ngục A-tỳ đang chờ sư Đại đấy!
Sư Tiểu mặc dù nói vậy nhưng vẫn biết chất độc ngũ tình lục dục của phái Ma Đăng Già vô cùng lợi hại. Đến nước này sư Đại chỉ còn có cách phải trở về tận dụng bí pháp chánh tông may ra mới kịp cứu lấy mình.
Nhưng đã quá muộn! Vừa mới nghe đến bốn chữ địa ngục A-tỳ, sư Đại liền so vai rụt cổ rùng mình lè lưỡi. Cùng lúc đó từ dưới bàn chân của sư Đại một luồng khí đen hôi thối nồng nặc bốc lên khiến cho sư lớn phải ba lần rùng mình sởn gai óc. Thoắt một cái, nhà sư thích-bồng-bế đã hiện nguyên hình thành một con dê đực vừa đi vừa kêu la thảm thiết:
_ Behe, behe, beeee… heeeee…
Kim Zung Châm
Trích trong trang nhà “Quang Duc chấm cơm”
Đường Lầy
Thiền Sư Nhật Muju
Có hai nhà sư cùng thong dong bước xuống một con đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Đến khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo Kimono và chiếc khăn quàng cổ bằng lụa, đang đứng bên lề đường vì không thể băng qua ngã tư đường lầy được. Lập tức một nhà sư bảo: "Đi nào, cô bé" tức khắc đưa tay nhấc bổng cô gái lên và đưa qua quãng đường lầy.
Nhà sư bạn của anh ta, từ đó không buồn nói một tiếng nào, cho đến khi cả hai dừng lại trong một ngôi chùa. Rồi không còn chịu đựng được nữa, nhà sư bạn lên tiếng nói với anh ta:
- Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là với những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại làm như vậy?
Nhà sư mỉm cười:
- Tôi đã bỏ nàng từ chỗ đó rồi! Anh còn mang nàng theo đấy sao?
(Truyện cổ Phật Giáo Nhật Bản)
Nguồn: trích từ trang nhà Quang Duc chấm cơm
***********
PHÁP LUẬT TRÍC LỤC
] Còn đây là lời Phật dạy trong Kinh Nguyên Thủy
-- Chính Đức Thế Tôn đã xác chứng cho Bà-la-môn Sonadanda: “- Thật như vậy, này Bà-la-môn. Này Bà-la-môn, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời” (Kinh Sonadanda, số 4, Trường Bộ 1)
{ Còn đây là lời con Phật thừa tự Pháp trích lục:
“- Thật như vậy, này Bà-con-ma. Này Bà-con-ma, tà tuệ bị phá giới hạnh làm cho bất tịnh, phá giới hạnh bị tà tuệ làm cho bất tịnh. Chỗ nào có phá giới hạnh, chỗ ấy có tà tuệ; chỗ nào có tà tuệ, chỗ ấy có phá giới hạnh. Người phá giới hạnh nhất định có tà tuệ; người có tà tuệ nhất định có phá giới hạnh. Phá giới hạnh và tà tuệ bị xem là tối hạ liệt ở trên đời”
] Còn đây là lời Phật dạy trong Tăng Chi chương 7, số 68, tr.458-69:
“Ta tuyên bố cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ những hành vi che đậy, không phải Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh.
Thật là tốt hơn cho người ấy ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn. Vì cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể đi đến chết, hay đi đến gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới theo ác pháp... tánh tình bất tịnh, ôm ấp, ngồi gần, hay nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái Sát-đế-lỵ, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con gái gia chủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Một khi Đức Thế Tôn, Đức Chánh Biến Tri thấu suốt nhiều đời kiếp, đã “tuyên bố” như vậy, đã “nói rõ” như vậy thì sự thật chắc chắn phải như vậy, không sai chạy, không thể khác được. Ngài không hù dọa, không nói quá. Chính vì thấy rõ như vậy nên bản thân Ngài và các hoàng thân quốc thích, các đệ tử giàu có chẳng ai thèm quay lại với dục lạc nguy hiểm mặc dù các ngài có thừa điều kiện hưởng thụ. Mỗi Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cần phải ghi nhớ kỹ lời này để tránh rơi vào đọa xứ địa ngục vì nghe theo ác tuệ phá hạnh.
] Thêm lời dạy này nữa: “Ở đây, này Bà-la-môn, có Sa-môn hay Bà-la-môn, tự xem mình sống Phạm hạnh một cách chơn chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, nhưng hưởng thụ được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu. Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Này Bà-la-môn, đây gọi là Phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm. Này Bà-la-môn, đây gọi là hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không thoát khỏi khổ.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, tự xem mình sống Phạm hạnh một cách chơn chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, không có hưởng thụ được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu,nhưng cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân...
tuy không cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân, nhưng lấy mắt nhìn mắt, trừng mắt nhìn theo nữ nhân... tuy không lấy mắt nhìn mắt, trừng mắt nhìn theo nữ nhân, nhưng nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào...
tuy không nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào, nhưng nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân...tuy không nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân, nhưng xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức...
tuy không xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức, nhưng sống Phạm hạnh với tâm nguyện hướng đến một thân chư Thiên, nguyện rằng: "Với giới này hay với giới cấm này, hay với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ thành một Thiên nhân này hay một Thiên nhân khác".
Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Này Bà-la-môn, đấy gọi là Phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm.
Này Bà-la-môn, đấy gọi là hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không giải thoát khỏi khổ” (Bài kinh “Dâm Dục”, Tăng Chi 3, Chương 7, V. Phẩm Đại Tế Đàn, trang 349).
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Vị tu sĩ tuy không hành dâm nhưng hưởng thụ “được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu”, hoặc chỉ “cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân”, hoặc chỉ “lấy mắt nhìn mắt, trừng mắt nhìn theo nữ nhân...”,hoặc chỉ “nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào...”, hoặc chỉ “nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân...”, hoặc chỉ “xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức...” cũng bị xem là “hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không giải thoát khỏi khổ”.
Lẽ thường dục vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Cho nên ly dục là ly khổ, thoát ly dục là thoát ly khổ. Công cuộc giải thoát khổ đau như leo núi, như bơi ngược dòng thác, chỉ cần sảy tay là rớt trở xuống vực, lơi tay bơi là bị cuốn chết chìm.
Mong rằng những đệ tử Phật chân chính ý thức rõ sự nguy hại để nỗ lực tinh tấn cứu mình, cứu người.
] Còn đây là điều luật Tăng Tàn thứ hai, tội xúc chạm với người nữ, trong tạng Luật Patimokkha:
[377]… “Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu nào bị khởi dục, do tâm bị thay đổi, rồi thực hiện việc xúc chạm thân thể với người nữ là sự nắm lấy tay, hoặc nắm lấy búi tóc, hoặc sự vuốt ve bất cứ bộ phận nào thì tội saṅghādisesa (tăng tàng).” …
[378] … - Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, ngay cả đứa bé gái mới sanh ngày hôm ấy cho đến bà lão.
…
[390] Vào lúc bấy giờ, có vị Tỳ-khưu nọ sờ vào người mẹ do lòng thương mến mẹ. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: “Phải chăng ta đã phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng)?” Vị ấy đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn.
- Này Tỳ-khưu, ngươi không phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng) màphạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, có vị Tỳ-khưu nọ sờ vào người con gái ruột do lòng thương mến con gái. ...(như trên)... sờ vào người chị (em) gái do lòng thương mến chị (em) gái. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc. ...(như trên)... Vị ấy đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn.
- Này Tỳ-khưu, ngươi không phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng) màphạm tội dukkaṭa (tác ác).” (Hết trích)
(Ghi chú: Đoạn Luật trên trích từ tạng Pātimokkha, V. ChươngSaṅghādisesa (tăng tàng), bản dịch của TK Nguyệt Thiên. Các trích lục từ Kinh theo bản dịch của HT Thích Minh Châu)
Còn dưới đây là những lời khuyến giáo của Đấng Đạo Sư trước lúc nhập Niết Bàn dành cho các cư sĩ muốn thoát khỏi khổ đau.
] Trích kinh Đại Bát Niết Bàn, số 16, Trường Bộ 1:
“23. Thế Tôn nói với các cư sĩ ở Pataligama:
- Này các Gia chủ, có năm sự nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sẽ bị tiêu hao tiền của rất nhiều vì sống phóng dật. Ðó là điều nguy hiểm thứ nhất cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật bị tiếng dữ đồn xa. Ðó là điều nguy hiểm thứ hai cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật khi vào hội chúng nào, hoặc Sát Ðế Lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần sợ hãi, bối rối. Ðó là điều nguy hiểm thứ ba cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sẽ chết với tâm hồn rối loạn. Ðó là điều nguy hiểm thứ tư cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người phạm giới, sống trái giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị sanh vào khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðó là điều nguy hiểm thứ năm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
Này các Gia chủ, đó là năm điều nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật.
24. Này các Gia chủ có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ có tiền của dồi dào rất nhiều vì sống không phóng dật. Ðó là sự lợi ích thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật đượctiếng tốt đồn xa. Ðó là sự lợi ích thứ hai cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát Ðế Lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Ðó là sự lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Ðó là sự lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, Thiên giới. Ðó là sự lợi ích thứ năm cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.” (Hết trích)
{ Thừa tự Pháp trích lục: Tin Phật Thích Ca hay tin vào pháp luật cải biến đời sau của những kẻ ngụy biện chạy theo bản năng dục, phóng dật buông lung, để rồi tự tha hóa hoặc nêu gương xấu cho người theo sau, điều này tùy vào nhận thức của mỗi người.
Nhưng cần ghi nhớ kỹ chánh tin được giải thoát, tà tín tà hành tất phải bị “bất hạnh đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét