Nếu gõ trên Google cụm từ tiếng Anh ‘products made from animals’ (các sản phẩm được làm từ động vật), ngay tức khắc có liền 385.000.000 kết quả. Con số này không dừng lại ở đây mà càng lúc càng nhiều hơn theo thời gian.
Với hàng trăm triệu tài liệu như vậy, thật khó có thể liệt kê hết tất cả các sản phẩm được làm từ động vật mà con người đang sử dụng. Ở đây, chỉ giới thiệu sơ một bài viết trong vô vàn tài liệu ấy để thấy sự đa đạng của các sản phẩm có từ động vật.
Theo tài liệu ‘Sản phẩm từ động vật’, loài heo đã góp phần tạo nên một loạt các vật phẩm thiết yếu khác nhau, từ các loại van phẫu thuật tim cho người, da làm thành giày dép và quần áo, cho đến chất gelatin cần trong thực phẩm và không phải thực phẩm. Ngoài ra các chất liệu từ heo cũng góp phần tạo ra máy lọc nước, chất cách điện, cao su, chất chống đông, chất dẻo, sáp lau sàn, bút sáp chì màu, phấn, chất kết dính và phân bón (USDA, 2012). Mỡ heo cũng góp phần trong các loại kem cạo râu, xà-bông, đồ trang điểm v.v…
Bên cạnh heo, gia súc cũng góp phần tạo ra nhiều sản phẩm khác nữa. Mỡ gia súc đã góp phần mình làm ra giấy sáp, bút chì màu, bơ thực vật, sơn, cao su, chất bôi trơn, nến, xà-bông, son môi, kem cạo râu và các mỹ phẩm khác. Chất gelatin từ gia súc được sử dụng trong dầu gội đầu, mặt nạ và mỹ phẩm khác, bánh tráng miệng, bánh kẹo và kẹo dẻo. Da từ gia súc tạo ra ví, túi xách, đồ nội thất, giầy dép và nệm bọc trong xe v.v.. (Nguồn: http://animalsmart.org/feeding-the-world/products-from-animals)
Ngoài ra còn muôn vàn các sản phẩm khác cũng có phần từ động vật như ván ép, pháo bông, sơn móng tay, kem đánh răng, nước hoa, gối, nệm, keo dán gỗ, phim nhựa, chất khử mùi, thiết bị máy tínhv.v… và v.v…
Chỉ liệt kê sơ chừng đó thôi cũng đủ thấy có biết bao thực phẩm, vật dụng tưởng chừng như ‘chay thuần chủng’, thế nhưng hóa ra cũng được làm từ sinh mạng của các động vật mà thôi. Không ăn thịt nhưng lại sử dụng hàng trăm, hàng ngàn vật dụng có được từ động vật cũng có nghĩa là đang sử dụng từ sinh mạng của chúng, như vậy là trực tiếp hoặc gián tiếp sát sanh, chứ hoàn toàn không sát sanh ở chỗ nào. Cho nên mới nói “ăn chay cũng sát sanh” là vì vậy!
Cần nói ngay, việc nêu ra dẫn chứng trên tuyệt đối không có nghĩa ủng hộ sát sanh, khuyến khích sát sanh, mà chỉ để thấy rằng không chỉ có ăn thịt mà việc sử dụng biết bao các sản phẩm từ động vật cũng góp phần trực tiếp hay gián tiếp sát sanh mà thôi. Do vậy, việc phỉ báng những người ăn thịt sát sanh hại mạng là kiểu nói thô thiển, một chiều, và độc đoán.
Sự phỉ báng này càng trở nên ấu trĩ và ác tâm hơn khi cho rằng những ai cúng dường và thọ dụng thịt “tam tịnh” (không thấy, không nghe, không nghi ngờ vì mình mà giết) là những kẻ sát sanh hại mạng, là kẻ thèm khát thịt phá giới. Lối vu khống tàn nhẫn này chỉ là hệ quả của vô minh, tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp mà ra.
Sự vô minh, tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp này truyền thừa từ các tổ sư gốc ngoại học xâm nhập vào Đạo Phật. Thật vậy, thực tế truyền thống ăn chay vốn xuất phát từ đạo Bà La Môn, chứ không phải của Đạo Phật. Ngay từ nhiều kiếp về trước các Bà-la-môn đã dựa vào truyền thống ăn chay của mình để đả kích Đạo Phật ‘tam tịnh nhục’. Điển hình là bài kinh “Hôi Thối - Amagandha” (Sn 42, Tiểu Bộ tập 1, Kinh Tập, Chương 2 – Tiểu Phẩm) đã chứng minh điều này.
Trong bài kinh này các Bà-la-môn từ xa xưa cũng đã dựa vào chay cỏ để xỏ xiên Đạo Phật, thế nhưng Đức Phật Kassapa thời quá khứ đã rống tiếng sư tử và dạy cho các Bà-la-môn hiểu rõ thế nào mới là ‘ăn đồ hôi thối, ăn thịt không phải thối’. Những ai muốn biết rõ tại sao ‘ăn thịt không phải thối’ và ăn như thế nào mới là ‘đồ hôi thối’, hãy đọc kỹ bài kinh này, để không theo chân các Bà-la-môn ngoại học phỉ báng Chánh Tam Bảo.
Còn trong kiếp hiện tại, như trong Kinh và Luật Pali Nguyên thuỷ còn ghi lại, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni cũng đã phải rất nhiều lần phản bác sự chống phá của các Bà-la-môn chay. Ngài cũng đã phải nhiều lần rống tiếng sư tử để minh định rõ cách ăn ‘tam tịnh’ của Đạo Phật và đồng thời vạch trần lối ăn chay đạo đức giả của các Bà-la-môn.
Một trong số đó là Đại Kinh Sư Tử Hống (số 12, Trung Bộ 1). Trong bài kinh này Đức Phật đã dạy cho ngài Xá-lợi-phất về lòng từ tâm vô lượng đối với tất cả các chúng sanh li ti ‘không thấy, không nghe, không nghi’ trong từng giọt nước. Đây cũng là cách gián tiếp Đức Phật phê phán lối ăn chay đạo đức giả của các Bà-la-môn.
Vì sao như vậy? Vì trong từng giọt nước đã có vô số vô lượng các chúng sanh, vậy thì trong từng ly nước các Bà-la-môn uống, trong từng cọng rau các Bà-la-môn nhai đã có vô số vô lượng chúng sanh ‘không thấy, không nghe, không nghi’ đã phải chết trong lỗ miệng phàm phu và dưới cặp mắt phàm tục của họ, chứ đâu phải chỉ có ăn thịt mới là sát sanh, và lối ăn ‘tam tịnh nhục’ lại càng không phải như thế. Rõ ràng chỉ có Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác mới thấu suốt được điều này từ khi con người chưa có kính hiển vi.
Kế thừa Tuệ Nhãn này, những Phật tử Nguyên thủy chân chánh trước sau như một đều cố gắng từ bỏ sát sanh, không khuyến khích sát sanh, không ủng hộ sát sanh, vì tất cả đều phải xem giới cấm sát sanh là trọng giới đầu tiên phải gìn giữ. Do vậy việc một chiều gán ghép những người cúng dường và thọ dụng thịt-tam-tịnh là sát sanh hại mạng, nếu không phải là kiểu vu khống tàn nhẫn thì còn là gì nữa?
Lại nữa, mình tuy ăn chay nhưng có chắc gia đình mình, cha mẹ mình, ông bà tổ tiên mình, họ hàng người thân của mình tất cả đều ăn chay hết thảy, tất cả đều không sử dụng các ‘sản phẩm mặn’ từ động vật? Chắc chắn là không, nếu vậy, mình phỉ báng khinh chê những người ăn mặn thì mình đang phỉ báng khinh thường ai đây?
Những ai cho rằng ăn chay mới không sát sanh hãy nhìn lại trên người mình, trong phòng mình, trong nhà mình, trong chùa mình thử xem mình có hoàn toàn sử dụng các vật dụng không được làm từ sinh mạng của các động vật không! Miệng tuy ăn chay nhưng sử dụng biết bao các sản phẩm từ sinh mạng động vật, liệu các vị lấy tư cách gì để lên án, coi khinh những người ăn thịt là sát sanh, nhất là những người thọ dụng “tam tịnh nhục”.
Tóm lại, mong rằng từ nay những vu khống, xuyên tạc nhẫn tâm đối với các đệ tử nguyên thủy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn đến việc chia rẽ Đạo Phật thành Phật giáo chay – Phật giáo mặn, tạo thành tội phá hòa hợp Tăng phải đoạ vào địa ngục vô gián sẽ vĩnh viễn không nữa!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cư Sĩ Nam Truyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét