Trong bài Kinh Kannakatthala, số 90, Trung Bộ 2, có ghi lại đoạn đối thoại giữa Đức Thế Tôn và vua Pasenadi như sau:
_ “Thưa Ðại vương, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra”, những vị nói như vậy không nói đúng lời Ta nói, và họ xuyên tạc Ta một cách hư ngụy, không đúng sự thật”.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với tướng quân Vidudabha:
-- Này Tướng quân, ai đã đem vấn đề này vào trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa”.
Nghe vậy vua Pasenadi sai người cho gọi Bà-la-môn Sanjaya đến. Tiếp đó bài kinh đã tường thuật cụ thể:
“...Rồi một người khác tâu với vua Pasenadi nước Kosala:
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa đã đến.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa:
-- Này Bà-la-môn, ai phổ biến câu chuyện này trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, tướng quân Vidudabha.
Tướng quân Vidudabha lại nói:
-- Tâu Ðại vương, chính Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa”.
Ghi chú: Ngay trong thời Đức Phật còn hiện tiền mà các Bà-la-môn còn dám xuyên tạc lời Ngài một các hư ngụy, trong khi đó những người đời sau cứ một chiều tin vào các kinh văn, các luận giải trái ngược với kinh điển gốc của các luận sư gốc Bà-la-môn sau khi Phật nhập diệt hằng trăm năm, như vậy có phải là quá ngây thơ đến độ tà tín?
Trong bài kinh trên cũng ghi lại lời dạy của Đức Thế Tôn:
“-- Thưa Ðại vương, Ta tự xem là đã nói những lời như sau: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn, không thể có sự tình như vậy”.
Như một sự nhất quán trước sau như một, trong bài kinh Canki, Trung Bộ 2, Đức Thế Tôn cũng đã khẳng định rõ:
“-- Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý”.
Lại nữa, Kinh Kìtàgiri, Trung bộ 2: “Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ”.
Và đây nữa: “Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự,không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này” (Ud 51).
Ghi chú: Còn trường hợp các Tổ sư Thiền tông “hoát nhiên đại ngộ” thì sao? Trả lời: Một là vì họ theo “giáo ngoại biệt truyền” nên tu sai đường không giác ngộ theo đúng pháp của Phật, hai là họ đã rơi vào “tưởng tri Niết bàn là Niết bàn” nên mới “hoát nhiên” như thế. Chính Đức Phật còn phải mất ba canh để chứng Tam Minh, hẳn nhiên các Tổ không thể nào hơn Phật, và vì vậy chuyện “đại ngộ” của họ thực ra chỉ là “dại ngộ” mà thôi!
CHÁNH THIỀN